Đồng Nai “siết” tách thửa: Kẻ cười, người khóc
- Thứ ba - 20/06/2017 15:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này
5.000 hồ sơ xin tách thửa tồn đọng
Thời gian qua, dù UBND tỉnh Đồng Nai đã có nhiều văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh việc tự ý tách thửa, phân lô, chuyển nhượng đất bằng giấy tay trái pháp luật, nhưng trên thực tế, vẫn còn một số địa phương chậm thực hiện và xử lý vi phạm về phân lô bán nền, xây dựng nhà ở công trình chưa triệt để. Điều này dẫn đến tình trạng thu gom, mua bán đất đai, phân lô bán nền, chuyển mục đích sử dụng đất trái luật ngày càng phức tạp.
Trước tình trạng đó, mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định cho tạm dừng giải quyết hồ sơ tách thửa. Thời gian tạm ngưng cho đến khi UBND tỉnh ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung.
Quyết định trên như một gáo nước lạnh dội vào thị trường bất động sản Đồng Nai đang tăng trưởng nóng. Trong đó, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là giới đầu cơ mua gom đất tại các khu dân cư với mục đích phân lô, tách thửa đón đầu xu hướng thị trường do mọi hoạt động giao ở phân khúc này hầu như bị ách tắc.
Theo công bố của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Đồng Nai, toàn tỉnh đang tồn đọng khoảng hơn 5.000 hồ sơ xin tách thửa. Chính quy định tạm ngưng này đã khiến cho thị trường bất động sản Đồng Nai có phần im ắng hơn thời gian qua.
Được biết, cách đây khoảng một năm, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành quyết định sửa đổi quy định diện tích tối thiểu khi tách thửa theo hướng “siết” chặt việc tách thửa.
Đất nền Đồng Nai đang thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư
Cụ thể, nếu như trước đây, các tổ chức, cá nhân tách từ 25 thửa đất trở lên mới phải bắt buộc làm dự án thì từ tháng 4/2016, con số này đã giảm xuống là 9.
Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa đủ mạnh khi nhiều tổ chức, cá nhân vẫn lách luật bằng cách xin tách thửa thành nhiều đợt để phân lô bán nền. Từ đó, hình thành nên nhiều khu dân cư tự phát, phá nát quy hoạch chung.
Được biết, trong thời gian chờ ban hành quy định mới, tỉnh Đồng Nai sẽ không ngưng cấp giấy phép tách thửa toàn diện mà vẫn xem xét giải quyết cho người dân theo hướng các địa phương sẽ căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Những nơi nào đã phê duyệt khu dân cư tự cải tạo thì xem xét yêu cầu theo hạn mức cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Còn lại những khu vực khác không đưa vào kế hoạch sử dụng đất, địa phương có quyền từ chối việc chuyển mục đích để đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội theo đúng quy hoạch vùng.
Đất dự án “lên voi”
Động thái siết chặt việc tách thửa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang tạo ra một cuộc thanh lọc mạnh mẽ trên thị trường đất nền. Bởi trong khi các dự án phân lô nhỏ lẻ rơi vào cảnh “chết lâm sàng” thì những dự án có quy hoạch bài bản, pháp lý tốt lại được hưởng lợi lớn.
Theo nhiều chuyên gia, với lợi thế về hạ tầng phát triển mạnh, lại nằm kế bên TP.HCM, thời gian qua, Đồng Nai đang trở thành một trong những địa phương thu hút giới đầu tư.
So với tỉnh Bình Dương hay Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai có lợi thế hơn hẳn về hạ tầng, nhất là giao thông đang phát triển mạnh.
Có thể kể đến như cao tốc TP.HCM– Long Thành – Dầu Giây, tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên kéo dài đến TP. Biên Hòa, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cầu kết nối huyện Nhơn Trạch với quận 2 và quận 9 (TP.HCM)…
Hay mới đây, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, sẽ tiến hành thực hiện dự án xây dựng cầu Vàm Cái Sứt trên hương lộ 2 (TP. Biên Hòa) với kinh phí hơn 330 tỷ đồng kết nối trung tâm hành chính TP.Biên Hòa với các khu đô thị Long Hưng, Khu công nghiệp An Phước, đô thị Nhơn Trạch...
Chính vì thế, khi chủ trương siết phân lô, tách thửa với đất trong các khu dân cư, sẽ dẫn đến nguồn cung sản phẩm trở nên khan hiếm, dòng tiền của giới đầu tư chuyển hướng sang các dự án dự án có pháp lý tốt tạo nên một làn sóng ngầm về giao dịch nhằm đón đầu xu hướng thị trường.
Bà Trần Thị Cẩm Tú, Giám đốc công ty Donaland, đơn vị phân phối dự án Khu đô thị Long Hưng cho biết, kể từ sau khi có thông tin siết phân lô, tách thửa tại Đồng Nai, việc bán hàng tại dự án Long Hưng không những không bị chựng lại mà còn tăng khá mạnh.