Vốn cho các dự án giao thông:"Trông" vào đất
- Thứ ba - 25/07/2017 10:21
- In ra
- Đóng cửa sổ này
TP.Biên Hòa đang bức bối vì hệ thống giao thông không đáp ứng kịp theo nhu cầu phát triển. Trong ảnh: Kẹt xe ở khu vực ngã tư Vườn Mít. |
Phương án BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) không còn hấp dẫn các nhà đầu tư ở các dự án đường tỉnh nữa. Bên cạnh đó, nhiều dự án trong đô thị cũng không thể triển khai theo phương án này nên buộc phải dùng đến “kế sách” đổi đất lấy hạ tầng.
* Nhiều công trình vốn khủng
Điển hình cho danh sách các dự án đầu tư lớn có thể kể đến là tuyến đường nối từ đường Bùi Hữu Nghĩa đến quốc lộ 1K. Tuyến đường có chiều dài gần 2,4km, có tổng mức vốn đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây lắp hơn 130 tỷ đồng, tiền giải phóng mặt bằng gần 100 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng cho khu đất hơn 40 hécta để BT hơn 200 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có dự án đường liên phường Trảng Dài - Tân Hiệp với chiều dài hơn 3km nối từ phường Trảng Dài sang phường Tân Hiệp và tuyến tránh ngã tư Tân Phong có chiều dài 1,6km có tổng mức đầu tư dự kiến 657 tỷ đồng, chi phí xây lắp hơn 260 tỷ đồng, tiền giải phóng mặt bằng hơn 280 tỷ đồng. Dự án sử dụng hơn 26 hécta đất để tạo vốn đầu tư.
Một dự án khác có số vốn khủng là đường ven sông Cái nối từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản với chiều dài gần 4,6 km, mặt đường thiết kế 32m. Tổng mức đầu tư cho dự án lên đến 3.600 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp gần 400 tỷ đồng, tiền giải phóng mặt bằng hơn 1.500 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng cho khu đất để BT hơn 850 tỷ đồng. Diện tích đất để thanh toán cho nhà đầu tư khoảng 52 hécta, gồm 14 khu dọc theo tuyến đường.
Với dự án đường ven sông Đồng Nai (đoạn từ cầu Hóa An đến bến đò Trạm) có chiều dài gần 3,7km thì tổng mức đầu tư cho dự án có số vốn khái toán là 1.788 tỷ đồng, tiền xây lắp hơn 700 tỷ đồng, tiền giải phóng mặt bằng cho dự án và đất BT hơn 550 tỷ đồng.
Dự án hương lộ 2 (xã An Hòa - Long Hưng) với chiều dài gần 2km (đầu tuyến) cũng có mức đầu tư gần 1.150 tỷ đồng, phải sử dụng hơn 35 hécta đất để BT cho công trình. Cũng trên hương lộ 2, công trình xây dựng cầu Vàm Cái Sứt có chiều dài 480m, tổng mức đầu tư 820 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 hơn 400 tỷ đồng. Dự án cũng sử dụng 250 hécta đất để thanh toán cho công trình.
Ngoài những công trình lớn tập trung tại TP.Biên Hòa, còn những công trình giao thông khác ở các huyện, như: đường 769 (đoạn từ đường vành đai 4 đến quốc lộ 51), đường Bắc Sơn - Long Thành; đường ven hồ Trị An (huyện Vĩnh Cửu); đường vào Khu công nghiệp Long Đức giai đoạn 2 (huyện Long Thành)... cũng đều phải sử dụng phương án kêu gọi đầu tư bằng đổi đất lấy công trình.
* Phương án tối ưu
Theo ông Trịnh Tuấn Liêm, Giám đốc Sở Giao thông - vận tải để đầu tư cho các công trình giao thông nói trên cần lượng vốn rất lớn, trong khi đó vốn ngân sách không đáp ứng nổi. “Đầu tư cho giao thông sau này phải theo hình thức PPP (công - tư kết hợp) mới có thể khả thi. Trên địa bàn tỉnh, các tuyến giao thông kêu gọi nhà đầu tư BOT rất khó vì lượng xe ít, không như các quốc lộ. Vì vậy, PPP là hình thức tối ưu nhất để thực hiện dự án” - ông Liêm nói.
Chia sẻ về những dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Phạm Anh Dũng cho rằng thành phố hiện rất bức bách về đầu tư cho hạ tầng giao thông, trong khi đó vốn cho các công trình này rất lớn, nếu không sử dụng phương án đổi đất lấy công trình sẽ khó có thể đầu tư được. Cụ thể, là nhiều công trình hạ tầng giao thông của thành phố nhiều năm qua vẫn chỉ nằm trên giấy do không có vốn để triển khai.
Đánh giá về phương án BT bằng quỹ đất, ông Ngô Thế Ân, Chủ tịch UBND huyện Long Thành, cho rằng đây là phương án khả thi nhất để thực hiện công trình. Tuy nhiên cũng cần phải xem xét kỹ, bởi phần đất giao cho nhà đầu tư trước và sau khi có công trình giá trị hoàn toàn khác nhau, mức chênh lệch rất cao.
Quan điểm mà ông Ân đưa ra cũng được nhiều người đồng ý. Cụ thể, khi một tuyến đường được mở ra, giá trị đất ở bên đường lúc đó cao hơn rất nhiều so với trước đó. “Một công trình được đầu tư theo hình thức này phải tính toán nhà nước, người dân và doanh nghiệp đều không bị thiệt. Doanh nghiệp luôn luôn tính sao cho có lợi nhất, đó là việc đương nhiên. Ở góc độ quản lý nhà nước, các cơ quan cũng cẩn trọng để nhà đầu tư không “qua mặt”, đẩy giá công trình không quá cao” - lãnh đạo một sở chia sẻ.
Khắc Giới