Về dự án Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng
- Thứ ba - 17/04/2018 13:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dự án có quy mô rộng 890 héc ta. Sau 10 năm triển khai hoạt động, đến nay dự án đã hình thành bộ mặt cuộc sống khu đô thị mới, một cuộc đổi đời tươi sáng cho hàng ngàn người dân nơi đây. Dự án mang đến cho tỉnh Đồng Nai nói riêng và nước Việt Nam nói chung một tầm vóc kiến trúc đô thị hiện đại, gần gũi với thiên nhiên.
Năm 2007, Donacoop được UBND tỉnh Đồng Nai giao đất làm chủ đầu tư các dự án thành phần Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng với tổng diện tích 890 héc ta, tại xã Long Hưng, TP.Biên Hòa (trước đây là huyện Long Thành), gồm 3 dự án thành phần: Khu dân cư Long Hưng, Aqua City, Thành phố Đồng Nai Waterfront.
Theo báo cáo của các cơ quan chức năng về tình hình đời sống-kinh tế xã hội tại khu vực xã Long Hưng, trước khi dự án được triển khai đầu tư thì khu vực này là vùng đầm lầy, ngập nước,đa phần đất nông nghiệp bị hoang hoá do hộ dân bán đất lớp bề mặt cho các cơ sở sản xuất lò gạch,lò lu,hàng thủ công gốm sứ… Tân Vạn.
Tình trạng giao thông đi lại của người dân trong khu vực xã Long Hưng và kết nối ra bên ngoài gặp rất nhiều khó khăn. Trong khu vực dân cư sinh sống tồn tại nhiều cầu tạm bằng gỗ, bằng tre bắc qua các kênh rạch. Hầu hết các hộ gia đình sử dụng nhà vệ sinh là “cầu tỏm”. Nguồn thu nhập chính của người dân dựa vào nghề trồng lúa một vụ, nghề chài lưới đánh bắt cá, bắt chuột, bắt cua mò óc ven các nhánh sông rạch và đồng ruộng.
Nhiều khu vực đất ruộng xấu không sản xuất được, người dân bỏ hoang trước năm 2007 khi chưa xuất hiện dự án của Donacoop. Lúc đó giá trị đất còn rất thấp, không quá 300 triệu đồng/héc ta đất ruộng hoang. |
Xã Long Hưng một mặt được tiếp giáp bởi các sông Đồng Nai, sông Trong, sông Bến Gỗ và các kênh rạch. Trong nhiều ngày tìm hiểu về dự án này, nhóm phóng viên chúng tôi đã gặp và tiếp xúc trò chuyện với hàng trăm hộ dân tại xã Long Hưng. Trong ký ức của mọi người dân nơi đây họ không quên rằng trước năm 2007 (khi chưa có dự án của Donacoop triển khai) thì việc đi lại của người dân xã Long Hưng chủ yếu sử dụng bằng xuồng ghe.
Giữa các cụm dân cư thưa thớt có những con đường đất hẹp, mùa mưa xuống càng thêm sình lầy. Người dân muốn đi ra Quốc lộ 51 thì vẫn chỉ đi theo một con đường đất dài khoảng 2km, rộng trên dưới 3 mét nối với cây cầu sắt tạm. Trên con đường độc đạo này có một cây cầu sắt nhỏ nhắn tồn tại từ thời Pháp đến xâm lược nước ta. Nhìn chung mọi việc giao thông đi lại, thông thương với các vùng lân cận bên ngoài xã còn rất khó khăn.
Cầu sắt Bến Gỗ áng ngữ ngay cửa ngõ vào xã Long Hưng đã tồn tại từ thời Pháp thuộc cho đến nay. Trước khi có dự án, toàn xã Long Hưng không có chợ, người dân xã Long Hưng muốn đi chợ phải qua cầu sắt Bến Gỗ này để đến chợ nhóm họp chồm hổm bên lề đường thuộc xã An Hòa. |
Trong ký ức của bà Huỳnh Thị Thanh Thúy hiện đang sinh sống tại ngôi nhà mới D16 Khu tái định cư xã Long Hưng vẫn không quên nơi ở cũ của gia đình mình tại ấp Phước Hội (thuộc xã Long Hưng). “Trước mặt nhà là một khu ruộng, trũng thấp nên mỗi năm chịu đến 3-4 trận nước ngập vào nhà. Có khi nửa đêm đang ngủ, nước tràn ngập nhà, tủ giường đều bị hư hỏng. Có khi nước ngập kéo dài đến 8 giờ sáng, cả nhà không ai thoát ra khỏi nhà được để đi làm...”, bà Thúy kể.
Bà Thúy còn nhớ mãi những ấn tượng ghê gớm: “Đó là những trận mưa lớn, nước từ đâu những xóm trên tràn về nhà tôi, nước từ cầu tiêu hôi hám và rác bẩn tuồn vào nhà, chịu không thấu. Nước uống thì phải đi mua nước đóng bình, còn lại tắm giặt hoàn toàn dùng nước sông. Đường sá đi lại chật hẹp, đi xe đạp gặp đường sình lầy té liên miên”.
Giữa các khu ruộng đồng xa xôi điện không có, ban đêm con em trong vùng đi học khổ sở. Bà Thủy kể, có những gia đình mỗi lần ban đêm đi đón con đi học về, trời tối tăm, cha mẹ phải cầm ngọn đèn dầu và đắt theo con chó để nó sủa vang inh ỏi bảo vệ mình và bớt sợ hãi.
Trước khi triển khai dự án Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng năm 2007, hầu hết người sân xã Long Hưng sống bằng nghề làm ruộng, giăng lưới bắt cá, mò cua bắt ốc. |
Trong những ngày đầu tháng 4-2018, nhóm phóng viên chúng tôi đến tìm hiểu thực tế tại Dự án khu dân cư Long Hưng, dự án có tổng diện tích đất thu hồi thực hiện dự án là 215 héc ta. Trong đó tính đến thời điểm này, phần diện tích đất giao thông nội bộ, kênh rạch và đất chủ đầu tư đã thỏa thuận bồi thường 102 héc ta; diện tích đất đã triển khai hoàn thiện công tác bồi thường giải toả bố trí tái định cư cho hộ dân (giai đoạn 1) là 55 héc ta; diện tích đất chưa bồi thường giải tỏa là 2 héc ta. Diện tích đất khu dân cư hiện hữu (giai đoạn 2) là 55 héc ta hiện đang thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đáng chú ý cho đến nay, tại Dự án khu dân cư Long Hưng với toàn bộ diện tích đã hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là 157,9 héc ta. Về cơ bản đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó có việc xây dựng hạ tầng khu tái định cư và hiện nay đã xây được xây dựng xong trên 500 căn nhà tái định cư và các công trình công cộng: trường mầm non, trường tiểu học, trụ sở UBND xã Long Hưng.
Một góc khu tái định cư Long Hưng. Người dân trong các hộ sinh sống tại khu tái định cư này cho biết thoải mái với cuộc sống mới. Hiện nay mỗi lô đất diện tích 100m2 tại khu tái định cứ này có giá thị trường là 1,5 tỷ đồng. |
“Bên trong căn nhà tái định cư rộng 200m2 (2 suất tái định cư ) một trệt một lầu được thiết kế xây dựng khá đẹp, phía dưới tầng trệt được bày hàng tạp hóa buôn bán, đó là căn hộ gia đình ông Phan Văn Cu đang ở”, ông Cu cho biết, trước khi vào khu tái định cư, gia đình ông ở tại ấp An Xuân, khu Bà Khánh thuộc xã Long Hưng. Hỏi ông Cu, so với cuộc sống nơi ở cũ và khu tái định cư hiện nay như thế nào, ông Cu chỉ nói ngắn gọn: “Cảm thấy hài lòng!”.
Ông Phan Văn Cu cùng con trai vui vẻ cho biết hài lòng với cuộc sống tại khu tái định cư Long Hưng này. Ông có căn nhà mặt phố đẹp xinh, công việc buôn bán tạp hóa ổn định, con trai và con gái học hành ra trường có công việc tốt. |
Trong câu chuyện cuộc đổi đời của gia đình ông Cu hôm nay, ông Cu tỏ ra bình thản nói: “Chuyện ngày trước là quá khứ, tôi cũng có những lỡ lầm nên bây giờ tôi không muốn đề cập làm gì. Từ khi vào khu dân cư này gia đình tôi sống thoải mái, buôn bán hàng tạp hóa, hai con tôi vẫn tiếp tục có điều kiện học hành Đại học giờ ra trường đi làm ổn định. Nói chung tôi phấn khởi và hài lòng với cuộc sống mới ở đây”.
Trường hợp khác là gia đình chị Hồ Thị Mỹ Hạnh. Chị Hạnh kể trước đây chị có 1.000 m2 đất tại xã Long Hưng, nhưng không dám vào xem vì toàn là cây cỏ che phủ. Chị nghĩ mảnh đất đó bỏ mặc hoang phế vậy để chờ cuối đời vợ chồng già xây căn nhà nhỏ sinh sống cho nhẹ nhàng. Nhưng không ngờ khi có dự án của Donacoop triển khai (năm 2007), mảnh đất của chị được hoán đổi 2 lô đất tái định cư với diện tích 200m2. Được xây một căn hộ xinh đẹp, chị Hạnh nhanh chóng chuyển hết gia đình con cái vào đây sinh sống. Giờ gia đình chị yên ổn nơi ở mới, hai con mỗi ngày đi về TP.HCM học đại học.
“Thận lòng tôi rất vui, gia đình tôi không bao giờ nghĩ có ngày mình được sở hữu một căn hộ khang trang nằm trong vùng đô thị giá trị như thế này. Trước đây, nói thật tôi không dám mơ ước có được cuộc sống trong khu dân cư đẹp và an toàn như vậy!”, chị Hạnh nhìn nhận. Nói rồi chị hạnh vui vẻ xách bình nước ra chăm sóc vườn hoa xinh đẹp trong khuôn viên căn hộ của mình.
Chị Hồ Thị Mỹ Hạnh được 2 suất đất tại khu tái định cư xã Long Hưng. Bên vườn hoa trong khuôn viên căn hộ, chị Hạnh vui vẻ tâm sự: “Xung quanh khu tái định cư này, hầu hết ai cũng hài lòng cuộc sống mới. Trước đây chị có nằm mơ cũng không thấy cuộc đời đổi như thế này. |
Còn hàng trăm hộ dân chúng tôi tiếp xúc đều cùng chung suy nghĩ, cảm nhận phấn khởi với cuộc sống mới như ông Cu, chị Hạnh. Bộ mặt Khu dân cư Long Hưng hiện nay với đường xá khang trang, sạch sẽ; cây xanh thẳng tắp đã mọc lên; những dãy nhà phố với hàng trăm căn nhà phố xinh đẹp. Kể từ khi chuyển vào sinh sống tại khu dân tái định cư này, người dân cảm nhận sự đổi thay đầy hứa hẹn về cuộc sống của họ.
Cuộc sống mới của người dân tại Khu dân cư Long Hưng hiện nay là như vậy đó. Khi đối chiếu với hình ảnh trước đây (vào năm 2009) với cuộc xung đột giữa người dân và chính quyền xã Long Hưng về những bất cập trong công tác triển khai dự án Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng, chúng tôi nghĩ phần nào nguyên nhân sự việc này là do thiếu thông tin tiếp cận để mọi người dân cùng hiểu về chủ trương chính sách của Nhà nước, chính quyền địa phương; về mục đích của dự án và diện mạo cuộc sống trong khu đô thị mới; về những lợi ích tương lai mà chính người dân địa phương sẽ được thụ hưởng.
Nhóm PV