Các chuyên gia trong lĩnh vực đăng ký đất đai, quản lý và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quản lý xây dựng và cả ngành luật đã chỉ ra hàng loạt lý do phổ biến lý giải câu chuyện vì sao dân mua chung cư mãi chưa được cấp chủ quyền nhà.
Thứ nhất, chủ đầu tư vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP HCM thuộc Sở Tài nguyên Môi trường, Phạm Ngọc Liên cho biết đây là nguyên nhân phổ biến nhất.
Thứ hai, chủ đầu tư thế chấp giấy đỏ trong khi đã bán nhà cho người mua.
Thứ ba, cơ quan thi hành án đôi khi vì một phần vướng mắc của dự án (đang tranh chấp) mà ngăn chặn toàn bộ dự án.
Thứ tư, chủ đầu tư đột ngột thay đổi thiết kế, quy hoạch dự án giữa chừng khiến công trình không thể hoàn công, không đủ điều kiện cấp chủ quyền. Ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển Nhà và Thị trường Bất động sản, Sở Xây dựng TP HCM giải thích, có nhiều trường hợp chủ đầu tư tự thay đổi các quy chuẩn xây dựng được duyệt ban đầu nhưng chưa thực hiện việc điều chỉnh với cơ quan cấp phép. Điều này đã khiến cư dân sau khi nhận nhà vẫn bị treo chủ quyền.
Theo các cơ quan quản lý, có rất nhiều lý do khiến cho việc cấp giấy chứng nhận nhà dự án bị treo, trong đó trách nhiệm của chủ đầu tư bị cho là lớn nhất. Ảnh: Vũ Lê |
Thứ năm, các thủ tục liên quan đến nghĩa vụ thuế đóng vai trò quan trọng trong việc cấp giấy chủ quyền nhà, theo Luật sư Nguyễn Trọng Thọ, Công ty Luật ATS. Điều này có nghĩa là, không chỉ có doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính mà người mua nhà cũng cần phải tất toán đủ các khoản tiền đã cam kết trong hợp đồng.
Thứ sáu, đa số các dự án chậm cấp giấy vì nợ tiền sử dụng đất, ông Nguyễn Hồng Lam, Phó trưởng phòng Tài nguyên Môi trường quận 8, TP HCM cho hay.
Thứ bảy, chậm cấp giấy chứng nhận nhà chung cư còn có thể xảy ra vì lý do ranh đất của dự án thay đổi. Ông Lam cho hay, để điều chỉnh ranh quy hoạch của dự án mất rất nhiều thời gian sẽ ảnh hưởng đến tiến độ cấp chủ quyền.
Thứ tám, có những dự án dân về ở rất lâu nhưng chủ đầu tư chưa bàn giao hạ tầng thì không thể cấp giấy chứng nhận. Thực trạng đa số công trình phúc lợi công cộng chưa được thực hiện. Ví dụ: nhà trẻ, mẫu giáo, công viên cây xanh, trạm xử lý nước thải... tuy có trong quy hoạch của dự án nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện được các công trình này.
Thứ chín, khu đất của dự án còn nhiều vị trí chưa giải phóng mặt bằng xong, thậm chí tranh chấp trong quá trình đền bù dẫn đến thủ tục cấp giấy chứng nhận cũng bị chậm theo.
Thống kê của Văn phòng đăng ký đất đai TP HCM, tính đến ngày 1/7/2014, trên địa bàn thành phố có 33 dự án nhà chung cư, 10.997 căn đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, hiện số này vẫn chưa được cấp hết.