Đại gia Trung Quốc thâu tóm nhiều dự án bất động sản

Quý II, các tỉnh phía Nam bất ngờ sôi động với nhiều thương vụ mua lại dự án bất động sản của nhà đầu tư Trung Quốc.

Kể từ cột mốc tháng 4/2017 đến nay, các tỉnh thành thuộc vùng TP HCM gồm Sài Gòn, Đồng Nai và Long An ghi nhận sự xuất hiện khá dày của những thương vụ chuyển nhượng hoặc đánh tiếng mua dự án liên quan đến nhà đầu tư Trung Quốc.

Giữa tháng 4, quỹ đầu tư VinaLand Limited và VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Limited - VOF (thuộc VinaCapital) công bố đã thoái toàn bộ vốn nắm giữ tại dự án Đại Phước Lotus (tại Đồng Nai). Khoản tiền thu về của hai quỹ này lần lượt là 48,8 triệu USD (tương đương khoảng 1.100 tỷ đồng) và 16,5 triệu USD (370 tỷ đồng). Đơn vị nhận chuyển nhượng dự án là một công ty thuộc Tập đoàn China Fortune Land Development (CFLD).

Đây là đại gia chuyên phát triển những thành phố công nghiệp tại Trung Quốc. Tính đến tháng 6/2016, CFLD có trên 1.100 đối tác chiến lược trong lĩnh vực thành phố công nghiệp, với khoản đầu tư vốn khoảng 4,1 tỷ USD.  

Đơn vị này đẩy mạnh phát triển khu vực kinh tế “Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc”, sông Dương Tử với chiến lược “một vành đai, một con đường” (one belt one road) và vùng Châu thổ sông Châu Giang. Doanh nghiệp đã hiện diện trên hơn 50 vùng miền trên thế giới trong đó có Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, Mỹ...

Trước khi thâu tóm dự án Đại Phước, năm 2016, CFLD Vietnam đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Tín Nghĩa để xây dựng thành phố công nghiệp mới (NIC) và Khu công nghiệp Ông Kèo tại Đồng Nai.

dai-gia-trung-quoc-thau-tom-nhieu-du-an-bat-dong-san

Phối cảnh dự án Đại Phước (Đồng Nai) được CFLD mua cổ phần từ 2 quỹ của VinaCapital.

Hôm 22/4, tại Đại hội cổ đông thường niên 2017 Công ty cổ phần đầu tư Nam Long (mã CK: NLG), Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Quang cho biết dự án Waterpoint (Long An) quy mô 350 ha là lợi thế lớn về quỹ đất của doanh nghiệp, đang được một nhà đầu tư trong nước và Trung Quốc ngỏ ý mua đứt.

Ông Quang tiết lộ, dự án này đã có quy hoạch 1/2000, đền bù 99%, nộp tiền sử dụng đất khoảng 95% từ năm 2009. Trong nhiều lần NLG tiến hành gặp gỡ nhà đầu tư các năm trước, dự án khủng này từng được ước tính có vốn đầu tư lên đến 2 tỷ USD và doanh nghiệp có kế hoạch chia nhỏ để phát triển dần. Hiện nay, dù có nhà đầu tư trong nước và Trung Quốc ngấp nghé muốn mua dự án, nhưng ông Quang cho hay công ty không vội vàng mà sẽ cân nhắc các đề nghị.

Tháng 5 vừa qua, P.H Group (Đài Loan) cũng đã tiến hành mua Khu công nghiệp Bàu Bàng từ Becamex tại Bến Cát (Bình Dương). Không dừng lại ở vùng TP HCM, đến tháng 6, nhà đầu tư Đài Loan này tiếp tục hoàn tất thương vụ mua dự án khách sạn Future Otis tại Nha Trang.

Cũng trong tháng 5/2017, Hong Kong Land đã thâu tóm 64% cổ phần dự án nhà ở nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm của CII.

Sau đó một tháng, Alpha King Real Estate Development JSC, doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam nhưng có giám đốc là người gốc Hoa, tạm trú tại khách sạn của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vừa được một đơn vị tư vấn môi giới bất động sản tại TP HCM hé lộ mua dự án phức hợp Saigon One Tower. Đây là cao ốc đã đình trệ nhiều năm tại khu trung tâm TP HCM, chủ đầu tư là Saigon M&C.

dai-gia-trung-quoc-thau-tom-nhieu-du-an-bat-dong-san-1

Dự án phức hợp Saigon One Tower được cho là đã được một nhà đầu tư gốc Hoa mua. Ảnh: Quỳnh Trần

Các giao dịch của những nhà đầu tư Trung Quốc hoặc gốc Hoa có đặc điểm chung là thường kín tiếng về giá trị thương vụ, thậm chí nhiều trường hợp chỉ được công bố thông tin hạn chế do các bên ràng buộc bằng cam kết bảo mật.  

Trao đổi với VnExpress, ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL) cho biết, cuộc đổ bộ của dòng vốn Trung Quốc, gồm cả Đài Loan, Hong Kong vào thị trường Việt Nam thời gian qua xuất phát từ nhiều lý do.

Thứ nhất, kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định, thị trường bất động sản Việt Nam đang là kênh đầu tư tương đối hấp dẫn đối với giới đầu tư quốc tế. Thứ hai, các nhà đầu tư Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan đang có xu hướng tìm kiếm cơ hội mới bên ngoài lãnh thổ của họ nên đã tạo nên làn sóng dịch chuyển dòng vốn vào thị trường Việt Nam trong thời gian qua. Đây là hình thức đa dạng hóa danh mục và điểm đến đầu tư của hầu hết tất cả các dòng vốn săn tìm cơ hội toàn cầu.

Thứ ba, làn sóng đầu tư này diễn ra theo xu hướng tự nhiên do vị trí địa lý gần nhau. Mối quan hệ giao thương kinh tế giữa Việt Nam với Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong vốn đã phát triển khá tốt từ trước đó.

Ông Stephen Wyatt đánh giá, hiện nay dòng vốn từ các nhà đầu tư gốc Hoa vào thị trường Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với đối thủ cùng khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Xét ngắn hạn, sức ảnh hưởng của các nhà đầu tư đến từ Đại Lục tại thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa rõ nét.

Trong thời gian tới, tăng trưởng của dòng vốn Trung Quốc kỳ vọng sẽ còn nhiều biến chuyển. Điều này sẽ tác động tích cực, đặc biệt làm đa dạng hóa các loại hình đầu tư bất động sản và tạo không khí sôi động cho thị trường địa ốc Việt Nam.

Theo nghiên cứu của JLL, nhà đầu tư Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong quan tâm khá nhiều loại tài sản: nhà ở thấp tầng lẫn cao tầng, thương mại, khu công nghiệp và cả bất động sản nghỉ dưỡng. Họ chuộng hình thức thâu tóm khá đa dạng: mua một phần hoặc 100% cổ phần các dự án bất động sản.

Vũ Lê

Nguồn tin: kinhdoanh.vnexpress.net

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây