Quốc lộ 51 thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe kéo dài. Trong ảnh: Kẹt xe tại khu vực gần nút giao với cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. |
Như vậy, tuyến cao tốc này phải qua 8 năm chờ đợi mới khởi công xây dựng, kể từ ngày cắm mốc hướng tuyến cho dự án. Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được các nhà chuyên môn đánh giá khá quan trọng, được xem là trục phát triển kinh tế nên cần được sớm đầu tư.
* Nối khu công nghiệp với cảng
Hệ thống giao thông Biên Hòa - Vũng Tàu hiện nay chỉ dựa vào quốc lộ 51 nên đã trở nên quá tải. Tình trạng kẹt xe trên tuyến đường này hiện không chỉ diễn ra vào những ngày lễ, tết mà hàng tuần vào thứ bảy và chủ nhật đều xảy ra tình trạng xe cộ rồng rắn nối đuôi nhau. Chính vì vậy, tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu càng được người dân cũng như các nhà đầu tư ở khu công nghiệp trông đợi sớm khởi công.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát chuyên về logistics, cho rằng việc đầu tư tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu là rất cần thiết, bởi tuyến đường này sẽ nối phần lớn các khu công nghiệp của Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu với cảng biển Cái Mép.
“Trong phát triển công nghiệp, tốc độ lưu thông hàng hóa là rất quan trọng, giúp tăng khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất. Hiện nay, đầu tư hạ tầng giao thông vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế nên tình trạng quá tải giao thông vẫn là vấn đề nóng” - ông Hưng chia sẻ.
Trong thực tế, 2 bên tuyến cao tốc này dọc từ Biên Hòa xuống đến cảng Cái Mép toàn là các khu công nghiệp lớn của 2 tỉnh, vì vậy lượng hàng hóa cần luân chuyển là rất lớn.
Theo ông Lương Quang Diệu, người hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu tại TP.Hồ Chí Minh, trước mắt tuyến cao tốc này khi ra đời có thể giải quyết được vấn nạn kẹt xe trên quốc lộ 51, nhưng vài năm nữa khi xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành thì đây là tuyến đường hết sức quan trọng.
“Nhiều loại hàng hóa phải vận chuyển bằng đường hàng không, lúc đó hàng hóa từ TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương dồn về Sân bay quốc tế Long Thành sẽ rất sôi động” - ông Diệu nói.
* Dự án hơn 9,2 ngàn tỷ đồng
Theo phương án phê duyệt của Bộ GTVT năm 2016 dự án thành phần 1, đoạn Biên Hòa - Tân Thành sẽ đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) với tổng mức đầu tư chưa bao gồm lãi vay hơn 9,2 ngàn tỷ đồng, trong đó vốn dành cho giải phóng mặt bằng gần 3,2 ngàn tỷ đồng.
Dự án hiện hoàn thiện báo cáo cuối kỳ để triển khai các bước tiếp theo. Theo báo cáo của Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI), dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu thành phần 1 đoạn Biên Hòa - Tân Thành - cụm cảng quốc tế Thị Vải - Cái Mép có chiều dài 46,8km.
Trong đó, đoạn Biên Hòa - Tân Thành dài 38km đi song song với quốc lộ 51, đầu tuyến là điểm đấu nối với đường Võ Nguyên Giáp (tuyến tránh quốc lộ 1), cách điểm giao giữa đường Võ Nguyên Giáp với quốc lộ 51 khoảng 1,5km và cách ngã tư Vũng Tàu 6,5km; điểm cuối nối với đường vào khu vực cụm cảng quốc tế Thị Vải - Cái Mép của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong giai đoạn 1, tuyến đường được xây dựng 4 làn xe với tốc độ thiết kế 100km/giờ. Theo phương án thiết kế, toàn tuyến sẽ có 4 nút giao giữa tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với các đường khác. Cụ thể, nút giao với đường Võ Nguyên Giáp, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành và điểm giao cắt với quốc lộ 51 vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.
Dự án có 11 cầu vượt với tổng chiều dài trên 1 ngàn mét và 13 cống chui chủ yếu nằm trên địa phận Đồng Nai.
Tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan đến dự án gần đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế phải tính toán kỹ xây dựng đường gom dân sinh và cống chui, bởi 2 bên đường là các khu đô thị đông dân cư và còn tốc độ phát triển rất lớn.
Khắc Giới
Nguồn tin: baodongnai.com.vn