Chiều 19/6, Quốc hội thông qua Nghị quyết về nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để triển khai cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Theo đó, ngân sách sẽ dành 23.000 tỷ đồng chi cho công việc nêu trên, gồm xây dựng hạ tầng 2 khu tái định cư và nghĩa trang. Hiện ngân sách đã bố trí 5.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đáp ứng 21,7% nhu cầu; còn thiếu khoảng 18.000 tỷ đồng.
Báo cáo giải trình trước khi bấm nút thông qua Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần và xây dựng phương án giải phóng mặt bằng, trong đó xác định tổng mức đầu tư chính thức, làm căn cứ để Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo, chuẩn bị nguồn vốn và báo cáo Quốc hội.
Quốc hội bấm nút thông qua dự án thành phần giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án sân bay Long Thành. Ảnh: Quochoi |
"Sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất và nhu cầu vận tải hàng không ngày càng tăng cao, khiến việc triển khai dự án sân bay Long Thành trở nên cấp bách hơn", ông Vũ Hồng Thanh nói trước Quốc hội.
Tuy nhiên, theo ông, do đặc thù công tác giải phóng mặt bằng thường mất nhiều thời gian, phát sinh khó khăn, vướng mắc, làm tăng chi phí nếu quá trình thực hiện kéo dài, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cho phép tách nội dung này để thực hiện trước khi triển khai phần việc liên quan đến xây dựng các hạng mục của Cảng hàng không.
Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hoá mỗi năm, được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn một chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác một đường cất hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa một năm.
Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua sẽ giúp tạo sự đồng nhất về chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư làm sân bay Long Thành; hạn chế khiếu kiện của người dân. Ngoài ra, việc giải phóng mặt bằng, tái định toàn dự án (diện tích cho cả 3 giai đoạn) một lần sẽ giúp người dân trong vùng yên tâm đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống.
Với phần diện tích đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa xây dựng hạ tầng, Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan chức năng quản lý chặt để không bị lấn chiếm; xây dựng phương án khai thác, tránh lãng phí đất đai và đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung này trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành tháng 6/2015.
Khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn I là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD)
So sánh năng lực của Tân Sơn Nhất với các cảng hàng không khu vực (bấm vào hình xem ảnh lớn). Đồ họa: Việt Chung |
Anh Minh
Nguồn tin: vnexpress.net