Các dự án được đầu tư đã làm thay đổi bộ mặt giao thông trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn của Đồng Nai như đường 319, 25B, 768, đường nối từ cầu Bửu Hòa đến quốc lộ 1K, đường chuyên dùng, hương lộ 2 được đầu tư rất linh động. Các dự án nói trên được tỉnh Đồng Nai đầu tư bằng cả vốn ngân sách và bằng các hình thức như BOT, PPP (xây dựng - khai thác - chuyển giao; ngân sách công và tư kết hợp hỗ trợ phần giải phóng mặt bằng).
Là tỉnh nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp với các tỉnh, thành phố lớn như Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh Đồng Nai xác định hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong công tác thu hút đầu tư. Theo đó, tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực từng ngày cải thiện hạ tầng giao thông, tiếp tục phát triển thêm nhiều tuyến đường mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương kết nối vùng và nâng điểm trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhận thấy được tầm quan trọng của hạ tầng giao thông tạo môi trường thu hút đầu tư, Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai khóa X đã xác định tiếp tục phát triển thêm nhiều tuyến đường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương kết nối vùng. Theo đó, phát triển giao thông phải đi trước một bước, là mũi nhọn đột phá quan trọng gắn với kết nối các trung tâm đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác.
Theo đó, từ nay đến năm 2020, Đồng Nai sẽ tiếp tục triển khai và sớm hoàn thành hệ thống các tuyến đường giao thông huyết mạch, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp và đô thị của tỉnh cũng như kết nối hệ thống giao thông quốc gia và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường Vành đai 3 từ Tân Vạn - Nhơn Trạch, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đường Dầu Giây - Đà Lạt. Đặc biệt, khi dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Long Thành được triển khai, tỉnh Đồng Nai sẽ trở thành một trong những đô thị văn minh, hiện đại và điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư./.
Nguồn tin: dangcongsan.vn